Cẩn trọng với cơn sốt đất nền

Thứ sáu - 22/03/2019 00:50

Cẩn trọng với cơn sốt đất nền

Cẩn trọng với cơn sốt đất nền
Năm 2017-2018, cả nước chứng kiến cơn sốt đất nền diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số khu vực có quy hoạch trở thành đặc khu hành chính kinh tế. Chỉ sau một thời gian ngắn, cơn...

Cẩn trọng với cơn sốt đất nền

Năm 2017-2018, cả nước chứng kiến cơn sốt đất nền diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số khu vực có quy hoạch trở thành đặc khu hành chính kinh tế. Chỉ sau một thời gian ngắn, cơn sốt đã bị "dập tắt" bởi các quyết định từ Chính phủ và địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cơn sốt này có dấu hiệu trở lại.

Cơn sốt tạm lắng

Năm 2018, nhà đầu tư chứng kiến cơn sốt đất diễn ra tại một số khu vực vùng ven TP. Hồ Chí Minh. Đa số giao dịch là đầu tư, người mua sau mua giá cao hơn người mua trước nên giá bị đẩy cao hơn. Theo tính toán, giá tăng 50-100%, chủ yếu mua đi bán lại.

Có khoảng 20% nhà đầu tư mắc kẹt, nhiều nhà đầu tư đã "dở khóc dở cười" khi ngân hàng siết chặt lại chính sách tín dụng. Nhiều chuyên gia nhận định giá đất đã quá cao, cho nên cơn sốt đất không thể quay lại.

Tại Phú Quốc, Vân Đồn, khi có thông tin quy hoạch các khu vực này trở thành đặc khu hành chính, kinh tế, giá đất ở đây đã nhảy múa liên hồi. Những mảnh đất mặt đường trục chính tại Vân Đồn trước đó tầm 5-6 triệu đồng/ m2, sau khi có thông tin đã tăng lên 30-40 triệu đồng/m2. Thậm chí, người dân và nhà đầu tư còn giao dịch cả đất nuôi trồng thuỷ sản, đất nông nghiệp, đất rừng.

Giá đất tại Phú Quốc được thổi theo mức độ cao hơn Vân Đồn. Các lô đất tầm 100 m2-500 m2 ban đầu người dân bán chỉ với 500 triệu-1 tỷ đồng, nhưng qua đến tay khách thứ 3-4 đã bị đẩy lên hàng chục tỷ đồng. Nhiều mảnh đất nuôi trồng thuỷ sản, đất canh tác nông nghiệp cũng được người dân xà xẻo bán kiếm lời.

Tại Đà Nẵng, tình trạng sốt đất cũng không kém các địa phương trên. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, cho biết có những nhà đầu tư mua mảnh đất gần ven biển với giá 37 triệu đồng/m2 và năm sau tăng lên 100 triệu đồng/m2. Việc giá tăng cao khiến nhà đầu cơ, đầu tư thi nhau đổ tiền đầu tư bất động sản Đà Nẵng.

Trước tình trạng đó, địa phương và Chính phủ đã vào cuộc, cấm giao dịch đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, cảnh báo nhà đầu tư rủi ro khi mua bán trao tay, khiến quả "bong bóng" đất nền tại hai khu vực này bị "xẹp lép" từ giữa năm 2018 đến nay.

Tuy nhiên, thời gian gần đây có dấu hiệu cơn sốt đất trở lại khi Vân Đồn mở cửa giao dịch đất trở lại; giá đất tại Đà Nẵng bị đẩy cao bất thường, khiến huyện Hoà Vang đã phải có công văn khẩn chấn chỉnh tình trạng mua bán đất; đất nền tại Phú Quốc và TP. Hồ Chí Minh rục rịch có dấu hiệu bị đẩy cao… khiến nhiều nhà đầu tư không biết thực hư ra sao.

Tránh rơi vào "bẫy"

Phân tích về tình trạng sốt đất trở lại tại các khu vực này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng ở đây có sự đầu cơ lũng đoạn của môi giới không chuyên, dẫn đến hỗn loạn, ảo quá mức.

Điều may mắn là các khu vực sốt đất không nằm trong dự án quy định của Nhà nước, do đó khi Chính phủ có sự can thiệp hoạt động đó dừng lại, các dự án vẫn nằm theo chủ trương phát triển.

Ông Đính cho rằng ở khu vực nào có sự đầu tư về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đều phát triển, điển hình như Bắc Ninh khi đầu tư đúng đã thu hút được các nhà đầu tư tham gia mạnh.

Theo ông Đính, Vân Đồn, Phú Quốc, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có tiềm năng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tránh những sai lầm trước đó là không tham gia vào dự án không nằm trong quy hoạch phát triển; tránh rơi vào bẫy đầu cơ của các dự án tung tin, làm trò, đẩy giá, thổi giá.

"Hãy nhìn vào dự án có bước đi vững chắc, uy tín, năng lực của chủ đầu tư, thị trường của họ chủ yếu là nhà đầu tư chân chính, có nhu cầu sử dụng thực tế, đừng tham gia dự án quá nóng", ông Đính nói.

Gs. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng cần cẩn trọng với cơn sốt đất nền đã đi qua. Hiện tại, một số nhà đầu cơ đang ôm những mảnh đất ở thời điểm giá đang cao nhất, trong khi lãi vay ngân hàng cần phải trả hàng tháng, giá đất thì giảm, do vậy để đẩy nhanh được hàng đi, nhiều nhà đầu cơ đã tìm đến những sàn và môi giới không uy tín nhằm đẩy giá đất tăng cao, thoát hàng.

"Khách hàng có nhu cầu đầu tư lâu dài nên tìm đến những dự án đã được quy hoạch, ký với chủ đầu tư có uy tín, tránh trường hợp ôm phải "quả bom" đất nền nổ chậm", ông Võ khuyên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên làm thế nào để phát hiện ra đâu là tin của các nhà đầu cơ, đẩy giá, thổi giá, ông Đính cho biết cần vai trò dẫn dắt thị trường của các nhà môi giới chuyên nghiệp.

"Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước phải cung cấp thông tin công khai thường xuyên, đúng như Nghị định 117 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống về nhà ở và thị trường bất động sản. Thứ hai, các nhà môi giới, các sàn giao dịch phải chuyên nghiệp, trong đó Nhà nước phải kiểm soát ngăn chặn các đối tượng tham gia không đúng quy định, không chuyên, tư vấn sai lệch, lừa đảo khách hàng", ông Đính chia sẻ.

Theo Minh Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Chia sẻ bài viết:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
le anh