Các giao dịch này, được xác lập chủ yếu xuất phát từ tình thân, hoặc những Người quen biết, cũng như sự cả nể..... Khiến Bà con ta hay sơ sài trong việc lập các văn bản ghi nhận nội dung. Đôi khi chỉ là viết vài ba câu biên nhận cho có! Cũng chính vì thế khi xảy ra tranh chấp, vấn đề từ đơn giản thành phức tạp.
Thông qua thực tiễn các tranh chấp phát sinh thực tế, mà Tác giả tiếp cận được khi tư vấn cho Bà con, cũng như tham gia các phiên Tòa; Trong phạm vi Bài viết này, Tác giả sẽ bổ sung, lưu ý thêm cho Bà con một số vấn đề quan trọng; Để Bà con có thể áp dụng, nhằm tránh những rắc rối về sau. Sở dĩ, ở đây Tác giả gọi là bổ sung thêm, vì trên Fanpage này, Tác giả đã viết rất nhiều Bài về các khía cạnh có liên quan, nên những vấn đề đó - Tác giả xin phép không nhắc lại trong bài này.
1. Chữ ký và Điểm chỉ dấu vân tay
Khi ký kết các Văn bản mà Bà con ta hay gọi là "Giấy tay", tức là Bà con tự lập và ký với nhau, mà không ra Công chứng. Thì trừ những trường hợp luật định như mua bán Nhà, đất. Những giao dịch còn lại như Hợp đồng đặt cọc, cho vay tiền, giấy nhận nợ ..... Việc lập "Giấy tay" là có giá trị pháp lý.
Tuy nhiên, khi một bên muốn lật lọng, Họ có thể nói rằng, không phải Họ ký văn bản đó, chữ ký đó không phải Họ ký (Mặc dù đúng là Họ ký). Đây sẽ là trường hợp, đôi khi khó chứng minh trên thực tế. Dù có giám định chữ ký đi chăng nữa. Vì có thể trước đây Họ ký khác, giờ Họ ký khác. Nên rất khó để xác định trên thực tế. Đa số các bản kết luận về giám định chữ ký đều có câu: Chữ ký không ổn định, không có cơ sở xác định ......
Cho nên giải pháp an toàn nhất, là khi Bà con giao kết thì nên yêu cầu Bên còn lại điểm chỉ (Lăn tay) vào văn bản. Chữ ký có thể giả, cố tình ký khác đi. Còn dấu vân tay điểm chỉ thì không thể giả được. Và do đó, ít khi Họ dám cãi chày cối rằng: Họ không ký Hợp đồng đó.
2. Lưu giữ Bản sao y có chứng thực giấy tờ tùy thân
Theo quy định của Pháp luật về tố tụng dân sự, khi Bà con muốn kiện Ai, thì phải ghi rõ tên tuổi, nơi thường trú của Bị đơn ..... Kèm theo Đơn khởi kiện, Bà con phải nộp kèm Giấy tờ tùy thân của Họ như Chứng minh thư, Sổ hộ khẩu bản sao y chứng thực, chí ít cũng phải có bản sao ..... Nếu không việc này sẽ bị làm khó làm dễ rất nhiều khi thụ lý Đơn kiện.
Do đó, vào thời điểm xác lập giao dịch, như ký Hợp đồng đặt cọc, cho vay tài sản.... Bà con nên đề nghị Bên kia, gửi cho Bà con vài bản sao y có chứng thực Chứng minh thư, sổ hộ khẩu của Họ. Nhằm sử dụng khi có tranh chấp.
3. Cam đoan của một Người về trách nhiệm của Người khác là vô giá trị
Nhiều Bà con, khi cho Ai đó vay, mượn tài sản.... Hoặc các vấn đề khác liên quan đến tài sản, đều đề nghị Bên đó ghi thêm một câu thế này: "Trong trường hợp, Tôi không trả được nợ, thì Con tôi là Nguyễn Văn B, Trần Thị C .... có trách nhiệm trả nợ...."!
Thì cam kết này, không có giá trị pháp lý gì với Anh B, Chị C cả. Bởi vì Anh B, Chị C không trực tiếp tham gia giao dịch của Cha mẹ mình, cũng không ủy quyền..... Cho nên Bà con không thể cầm tờ giấy đó đi đòi nợ Anh B, Chị C. Trừ khi Họ tự nguyện trả nợ thay cho Cha mẹ mình.
4. Biết mà không phản đối là Đồng ý
Theo quy định của pháp luật về định đoạt tài sản chung. Ví dụ tài sản chung của Vợ chồng ...... Về mặt nguyên tắc là Cả hai vợ chồng phải đồng ý. Sự đồng ý thường phải thể hiện bằng sự minh thị, tức Hai vợ chồng cùng ký kết văn bản.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, ví dụ chỉ có một mình Người chồng ký kết Hợp đồng đặt cọc bán nhà, đất với Người mua. Người vợ không hề ký. Tuy nhiên, nếu có căn cứ xác định rằng Người vợ có biết, và không phản đối. Thì xem như Người vợ cũng đồng ý.
Do đó, Bà con phải lưu tâm về vấn đề này. Khi Vợ hoặc Chồng mình bán buôn tài sản gì, nếu không đồng ý là phải phản đối ngay, bằng cách thông báo ngay đến Bên kia, là Bà con không đồng ý. Còn nếu Bà con biết, mà lại im lặng, không phản đối gì cả, là xem như đã đồng ý.
Lưu ý: Việc biết mà không phản đối là đồng ý, đang nói đến ở đây, là chỉ gói gọn áp dụng khi định đoạt tài sản chung. Còn những vấn đề khác, Ví dụ: Người mẹ cam kết con sẽ trả nợ thay, như ví dụ ở mục trên, thì Người con dù biết, mà không phản đối, không có nghĩa là Họ đồng ý. Vì vốn dĩ Họ không dính dáng gì đến giao dịch đó cả.
5. Cần rõ ràng khi hùn tiền mua chung tài sản
Thực tế hay xảy ra trường hợp, Hai Anh em ruột, hay họ hàng hoặc đôi Bạn thân cùng nhau hùn tiền mua chung một tài sản. Nhưng lại chỉ cho một Người đứng ra giao dịch mua bán. Bình thường thì không sao, nhưng đến khi tranh chấp, thì lại không có chứng cứ gì. Nhất là khi Anh em đã có gia đình riêng, lúc đó có thêm Chị dâu, Em rể ..... lại thêm muôn phần phức tạp.
Cho nên, để tránh tranh chấp thì "Tiền bạc phân minh - Ái tình dứt khoát", khi chung vốn mua bán gì, hoặc là cùng đứng ra mặt mua, ký kết giấy tờ; Hoặc phải có văn bản thỏa thuận ghi rõ nội dung việc hùn hạp này. Nhằm lưu lại chứng cứ về sau. Bà con ta thường hay cả nể, vì tế nhị, nên ngại rõ ràng. Nhưng cũng vì thế mà xảy ra nhiều hệ lụy xấu về sau. Cho nên, sau khi đọc Bài này, nêu có chung đụng làm ăn gì, Bà con cứ thỏa thuận rõ bằng Văn bản nêu rõ việc hùn hạp đó. Mọi thứ luôn dễ xử lý, khi nó rõ ràng và minh bạch!
Tác giả bài viết: Luật sư: Đặng Bá Kỹ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn