Đất trồng lúa hết hạn, có cần gia hạn để tiếp tục sử dụng không?

Thứ ba - 04/04/2023 12:00
Đất trồng lúa hết hạn sử dụng có cần gia hạn để tiếp tục sử dụng không là vấn đề mà hầu hết người đang sử dụng đất trồng lúa quan tâm, tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ quy định về vấn đề này.
Đất trồng lúa hết hạn, có cần gia hạn để tiếp tục sử dụng không?

Đất trồng lúa có thời hạn sử dụng bao lâu?

Đất trồng lúa là loại đất được sử dụng vào mục đích trồng lúa nước và trồng lúa khác. Loại đất này thuộc nhóm đất trồng cây hàng năm (thuộc đất nông nghiệp) và có thời hạn sử dụng.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 126 Luật Đất đai 2013 quy định:

Điều 126. Đất sử dụng có thời hạn

1. Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 129 của Luật này là 50 năm. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản này.

2. Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất.

3. Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.

Căn cứ theo quy định nêu trên, thời hạn sử dụng đất trồng lúa được quy định như sau:

- Trường hợp giao đất, công nhận quyền sử dụng đất trồng lúa đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp: Thời hạn sử dụng là 50 năm.

- Thời hạn cho thuê đất trồng lúa đối với hộ gia đình, cá nhân: Không quá 50 năm.

- Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp: Không quá 50 năm.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 210 Luật Đất đai, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trước ngày 01/7/2014, khi hết thời hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn nêu trên.

Thời hạn sử dụng đất được tính từ ngày 15/10/2013 đối với trường hợp hết hạn vào ngày 15/10/2013 theo quy định của Luật Đất đai 2003, tính từ ngày hết thời hạn giao đất đối với trường hợp hết hạn sau ngày 15/10/2013.

 
Đất trồng lúa hết hạn sử dụng Thời hạn sử dụng của đất trồng lúa hiện nay (Ảnh minh họa)

Đất trồng lúa hết hạn, có cần gia hạn để tiếp tục sử dụng không?​

Theo khoản 1 Điều 126 Luật Đất đai đã nêu trên, thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất trồng lúa đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là 50 năm. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP:

2. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất, khi hết thời hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 126 và Khoản 3 Điều 210 của Luật Đất đai mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất khi hết thời hạn được tiếp tục sử dụng mà không cần làm thủ tục gia hạn.

Trường hợp cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu xác định lại thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Nguồn tin: luatvietnam.vn

Chia sẻ bài viết:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn